Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thì lại có thể là nguồn gây bệnh. Thực phẩm có thể gây bệnh ở nhiều khâu từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, nấu ăn và cách ăn. Vì thế công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vị trí quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do thực phẩm. Mặc dù cho đến nay đã có khá nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ và an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như biện pháp về quản lý giáo dục như ban hành luật, điều lệ và thanh tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng các bệnh do thực phẩm và thức ăn kém chất lượng về vệ sinh vẫn chiếm tỷ lệ khá cao và xảy ra hàng ngày.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường. Các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào ngày càng nhiều chủng loại mà có nhiều trường hợp người tiêu dùng không biết được nguồn gốc xuất xứ và loại hóa chất dùng bảo quản thực phẩm. Việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến, các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, … Nhiều loại gia súc, gia cầm, thịt được bày bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y.
Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Việc bảo quản lương thực thực phẩm không đúng quy cách tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển đã dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Các bệnh do thực phẩm gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có liên quan sức khỏe sinh sản, bệnh tim mạch và ung thư.
Sử dụng thực phẩm tươi ngon không chỉ có giá trị về mặt dinh dưỡng mà còn giúp cơ thể chúng ta phòng tránh được nhiều bệnh. Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp các bạn có thể lựa chọn được thực phẩm tươi cho gia đình mình.
Cách chọn gạo ngon: Gạo là thực phẩm dạng lương thực cung cấp cho chúng ta chủ yếu chất tinh bột. Tinh bột khi vào cơ thể, qua quá trình chuyển hóa sẽ cho chúng ta dạng đường (glucose) đơn giản, đây là dạng năng lượng chủ yếu cho con người.
Gạo mới sẽ giữ nguyên được hàm lượng dưỡng chất, không có các thành phần nấm mốc. Để biết được gạo mới, ngon hay không chúng ta cần nhìn và sờ vào gạo. Gạo mới là hạt gạo khô, không bị ẩm mốc, các hạt gạo đều nhau, hình tròn hay dài tùy giống lúa, trong, không đục, không có mạt cám, không có màu sắc biến đổi. Nếu cắn thử thấy hạt gạo giòn, không vỡ vụn. Ngửi mùi gạo có mùi thơm đặc trưng. Đó là gạo mới và ngon.
Một số loại gạo để mọi người tham khảo:
- Gạo Hương Việt ( trồng theo phương pháp hữu cơ )
- Gạo Hữu Cơ Quế Lâm
là 2 loại gạo được kiểm định và người tiêu dùng đánh giá tốt.
Cách nhận ra thịt tươi:
Thịt là thực phẩm cung cấp chất đạm và chất béo cho cơ thể, một phần tham gia vào cơ chế cung cấp và duy trì năng lượng. Năng lượng do chất béo cung cấp lớn hơn gấp 3 lần năng lượng do chất tinh bột tạo ra. Vì thế ta thường cảm thấy nếu ăn thịt đủ khối lượng thì sẽ lao động khoẻ hơn, cảm thấy ít mệt hơn. Chúng ta thường sử dụng nhiều thịt lợn, thịt gà, thịt bò.
Thịt tươi mới là thịt của động vật vừa mới giết mổ. Nếu là thịt mới thì thịt còn ấm, miếng thịt dẻo, thơm mùi đặc trưng, không hôi, không có mùi lạ, bề mặt miếng thịt không có lớp màng bao phủ, lấy ngón tay ấn sẽ thấy đàn hồi tốt và không chảy nước. Nếu bạn nhìn nghiêng dưới ánh sáng thì có thể thấy các màu ngũ sắc ánh lên khác nhau. Đó là thịt tươi và ngon. Thịt ôi thì không được dẻo, miếng thịt vón lại như một cục và sẽ không có các màu ngũ sắc, ngửi có mùi hôi. Hay chúng ta còn có thể lựa chọn một số dòng thịt đông lạnh nhưng rõ nguồn gốc xuất sứ và có áp dụng quy trình giết mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay ở Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều đơn vị tham gia vào lĩnh vực thực phẩm đông lạnh đặt biệt là dòng Thịt lợn hữu cơ vì vậy bạn hãy lựa chọn những đơn vị uy tín và công khai minh bạch thông tin. Gợi ý một số đơn vị để mọi người tham khảo.
- Thịt lợn hữu cơ Bảo Châu
- Thịt lợn hữu cơ Giang Nam
- Thịt lợn sinh học Liên Việt
- Thịt lợn sinh học Revofood
đó là một số đơn vị mà chúng tôi đã từng khảo sát tận nơi và sử dụng sản phẩm.
Dấu hiệu cá tươi: Cá là một thực phẩm rất tốt cho sức khỏe vì cung cấp nhiều đạm, nhiều axít béo. Cá không gây ra chứng dư mỡ máu, không gây béo phì lại cung cấp một số khoáng chất quan trọng như iốt.
Để biết được cá tươi, ngon chúng ta sẽ thấy vảy cá xếp đều, trắng, không bong tróc, không có các dấu hiệu bất thường. Mang cá khép chặt, nếu lấy tay nâng mang cá lên xem sẽ thấy mang cá màu hồng tươi mà không phải màu tía. Chú ý quan sát mắt cá. Cá tươi thì mắt cá to, sáng trong, hơi lồi ra ngoài. Chất nhờn trên thân mình phải trong, nhớt và không có mùi lạ.
Cách chọn rau quả tươi: Rau quả tươi là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ và các khoáng chất cần thiết như sắt, đồng, kẽm, magiê, các vitamin…. Rau củ tươi là rau củ không héo, màu xanh hoặc màu đặc trưng mà không bị biến dạng. Cánh lá cứng cáp, không mềm. Cầm cây rau lên thân cây rau sẽ nằm thẳng, không mềm rũ xuống là rau mới. Sờ thân cây rau không có nhớt vì nhiều khi lá héo được người bán hàng vứt bỏ nhưng những lá thối sẽ tạo nhớt trên thân. Cuống lá rau phải còn xanh, mập.
Để chọn quả tươi thì quan trọng là chọn quả không bị nứt, vỏ không thủng, quả không dập nát. Nếu những quả có cành như vải, nhãn, nho thì bẻ cành xem thử, nếu lõi cành bên trong màu xanh, thơm mùi nhựa cây thì quả đó mới thu hoạch. Nếu khô, héo, quắt, đen thì đã thu hoạch từ lâu, quả không còn mới nữa.
Ðể đề phòng ngộ độc thực phẩm, mỗi chúng ta cần phải biết lựa chọn thực phẩm an toàn. Đồng thời lưu ý một sô vấn đề sau:
- Các hộ trồng trọt không sản xuất, bán ra thị trường những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là rau ăn, đảm bảo không bón quá nhiều phân đạm, không phun quá nhiều hoá chất trừ sâu, không được tưới phân tươi, bảo đảm thời gian cách ly hóa chất trước khi thu hoạch, rau bán cũng như rau trồng để nhà ăn phải đảm bảo an toàn như nhau.
- Phổ biến rộng rải cho nhân dân những kiến thức và kỹ thuật chọn các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn. Chú ý chọn các loại rau quả tươi, thịt, cá tươi, gạo… không bị mốc, thời hạn sử dụng khi mua các thực phẩm chế biến sẵn hoặc đóng hộp.
- Phải có đủ nước sạch, an toàn, rửa dụng cụ nấu ăn, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nấu chín kỹ thực phẩm thịt, cá, dễ bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh và ăn ngay sau khi nấu. Thức ăn nấu chín không ăn ngay để quá 4 giờ và nhất là để cách đêm nhất thiết phải đun sôi lại. Không để lẫn thực phẩm chín với thực phẩm sống khi bảo quản. Không tham gia chế biến thực phẩm khi đang tiêu chảy, sốt, nôn, nhiễm trùng ngoài da hoặc các bệnh truyền nhiễm khác. Giữ gìn vệ sinh khu vực chế biến thực phẩm, cách xa khu chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh, bãi rác thải, cống rãnh ô nhiễm; Nơi ăn uống phải sạch sẽ thoáng mát, có bàn ăn cao tránh bụi bẩn, thức ăn bầy sẵn có lồng bàn che đậy.
Chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, mọi người chú ý thực hiện các điều đơn giản nói trên để bữa ăn đem lại nguồn dinh dưỡng tốt và không là nguồn gây bệnh đảm bảo sức khỏe cho mọi gia đình.