Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ 'bếp lửa' trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.
Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi chuyện tốt xấu của mọi người, nên để cho vua bếp phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp được nhiều điều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng.
Mâm cúng ông Công ông Táo
Lễ vật cúng ông Công ông Táo thường bao gồm mũ ông Công ông Táo, mâm cỗ mặn và cá chép sống để phóng sinh:
- Ba chiếc mũ ông Công, ông Táo gồm hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Để giản tiện, cũng có gia đình chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hai ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Những đồ này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
- Ngoài bộ mũ, các gia đình thường chuẩn bị 1 mâm cỗ mặn cùng các lễ vật khác như bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng và 3 con cá chép sống.
Trước đây, mâm cỗ cúng ông Táo gồm rất nhiều món ăn truyền thống giống các món ngày Tết. Một mâm cỗ mặn đầy đủ thường có:
- 1 con gà luộc hoặc 500g thịt vai luộc; 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa canh măng khô hoặc canh mọc (canh rau củ hầm...)
- 1 đĩa xôi gấc (hoặc xôi đỗ xanh...); 1 đĩa chè kho
- Hoa quả: 1 đĩa hoa quả; 1 quả bưởi
- Lễ vật đi kèm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 1 lọ hoa cúc, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 ấm chè, 3 chén rượu, 1 tập tiền, vàng mã; 1 quả cau, 1 lá trầu
Ngày, giờ cúng ông Công ông Táo
Tuy 23 tháng Chạp mới là ngày các Táo về trời, nhưng phần lớn nhiều gia đình đã cúng từ vài hôm trước. Có thể cúng ông Công ông Táo từ ngày 20 trở đi, nhưng phải hoàn thành trước 12h ngày 23 tháng Chạp.